Suối Côn Sơn thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) bắt nguồn từ hai khe núi Ngũ Nhạc và Côn Sơn dài khoảng 3 km.
Suối Côn Sơn đã tạo cảnh quan phong thủy cho quần thể di tích trở nên đặc biệt hơn. Ảnh: Thành Chung
Suối chảy uốn khúc, quanh co, đoạn trên có những ghềnh thác nhỏ, dưới lòng suối có những hòn đá to, nhỏ tròn trịa do nước chảy bào mòn qua rất nhiều năm tháng mà tạo thành. Hai bên bờ suối cây cối rậm rạp, tốt tươi, xanh mát quanh năm.
Suối Côn Sơn đã tạo cảnh quan phong thủy cho quần thể di tích trở nên đặc biệt. Suối khởi nguồn từ núi Ngũ Nhạc và Côn Sơn. Núi Ngũ Nhạc là mạch núi linh thiêng, xoải dài từ Bắc xuống Nam với chiều dài hơn 4 km, ngọn cao nhất 238 m, nằm về phía đông bắc của Côn Sơn. Ngũ Nhạc tượng trưng cho 5 phương (tứ phương và trung phương: Đông, Tây, Nam, Bắc và trung tâm, ứng với các hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Trên núi người xưa cho dựng 5 miếu thờ thần Ngũ Phương Ngũ Lão quân nên gọi là “Ngũ Nhạc linh từ”. Ngũ Phương Ngũ Lão quân gồm: Thanh Đế ở phương Đông, Bạch Đế ở phương Tây, Xích Đế ở phương Nam, Hắc Đế ở phương Bắc và Hoàng Đế ở Trung ương (trung tâm).
Ngũ Nhạc còn được coi là vùng đất phúc, nơi ngự của Phật, Thánh và các vị thần tiên cai quản việc cát, hung, họa, phúc, thống lĩnh muôn loài và chủ quản cây cối, núi rừng, khe vực. Nước suối Côn Sơn bắt nguồn từ đây là hiếm quý, được coi là sinh khí cho cả vùng…
Dọc lòng suối Côn Sơn trong quá trình hình thành có đủ ghềnh thác, uốn lượn tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình, rồi chảy ra hồ Bán Nguyệt và hồ Côn Sơn. Hai hồ này hình thành tự nhiên và đặc biệt ở chỗ, hồ Bán Nguyệt là Minh Đường của chùa Côn Sơn và hồ Côn Sơn là Minh Đường của đền Nguyễn Trãi, với thế núi, hồ, suối đặc biệt mà người xưa thấy đây là vùng đất hiếm có, địa linh nhân kiệt…
Suối Côn Sơn gắn liền với các tên tuổi, các nhà văn hóa lớn, nhà chính trị lỗi lạc: quan Tư đồ Trần Nguyên Đán; Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Cao Bá Quát; Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Suối Côn Sơn có hai tảng đá lớn tương đối bằng phẳng gọi là Thạch Bàn. Thạch Bàn nhỏ rộng khoảng 70 m², mặt có màu son nâu rất đẹp, Thạch Bàn lớn rộng khoảng 200 m² về phía thượng nguồn được gọi là Hòn đá năm gian.
Trên suối Côn Sơn có cầu Thấu Ngọc và cầu Đá cũng là điểm nhấn của dòng suối. Cầu Thấu Ngọc được thiết kế theo kiểu thượng gia hạ kiều (cây cầu có mái che). Nguyễn Trãi thường lên cây cầu này để ngắm cảnh, làm thơ và thưởng trà: “Đình Thấu Ngọc tiên xanh tuyết nhũ/Song mai hoa điểm quyển Hy kinh”.
Đến cuối thế kỷ XIX, cầu Thấu Ngọc được coi là công trình tuyệt mỹ tại Côn Sơn. Cao Bá Quát khi về thăm Thanh Hư động đã lên cầu Thấu Ngọc thưởng ngoạn và làm bài Côn Sơn hành nổi tiếng: “Thấu Ngọc kiều biên dã hoa tiêu/Thanh Hư động ký văn đề điểu” (Bên cầu Thấu Ngọc hoa rừng tươi tốt/ Trong Thanh Hư động chim hót líu lo).
Với cảnh vật hiếm có, mang giá trị to lớn về lịch sử văn hóa, ngày 15/2/1965, Bác Hồ về thăm Côn Sơn. Bác lên núi, vào động Thanh Hư, đến nền nhà Nguyễn Trãi và dừng chân tại Thạch Bàn bên bờ suối, tại đây Bác căn dặn: “Cán bộ và nhân dân phải bảo vệ tốt di tích lịch sử, trồng nhiều cây để Côn Sơn trở thành nơi tùng lâm đẹp đẽ”.
Qua năm tháng, cầu Thấu Ngọc không còn. Năm 2011, UBND tỉnh quyết định xây dựng lại cây cầu này trên suối Côn Sơn. Cây cầu được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, hai bên là 2 lầu nghinh phong, nơi nghỉ chân, hóng gió của du khách. Lầu bên phải được xây hình lục giác, lầu bên trái hình bát giác, biểu thị ý nghĩa là nơi ban tài, phát lộc, đem đến vạn sự bình an cho mọi người.
Trước tam quan đền Nguyễn Trãi lòng suối phình to được coi như hồ, hồ này được thả sen, súng rất đẹp mắt. Bắc qua hồ là cây cầu đá cũng được thiết kế theo lối cổ, trạm khắc thủy ba bên thành, các xà đỡ thiết kế cách điệu đầu rồng… rất phù hợp với cảnh quan đền, chùa nơi đây.
Hiện nay, vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 8), suối Côn Sơn thu hút đông đảo du khách thập phương, đặc biệt là thanh thiếu niên. Tới đây, du khách thoải mái lội suối, ngắm cảnh, chụp ảnh... với dòng nước mát dọc con suối.
Gần đây, có thời điểm do nhiều nguyên nhân nên suối Côn Sơn bị cạn nước. Theo Viện Thủy công (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn), nguyên nhân do mực nước ngầm ở các vùng xung quanh dãy núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc suy giảm; các vết nứt, đứt gãy địa chất dọc trên suối, do rung lắc địa chất làm khe nứt mở rộng gây mất nước...
Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Việc phục hồi dòng chảy suối Côn Sơn là vô cùng cấp thiết, thể hiện sự ứng xử phù hợp với con suối lịch sử, chứa đựng yếu tố văn hóa, tâm linh, đậm đặc dấu tích của các danh nhân ở khu di tích linh thiêng này. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Thủy công đang tích cực hoàn thiện phương án kỹ thuật phục hồi dòng chảy suối Côn Sơn. Dự kiến, cuối năm 2023, đề tài ứng dụng sẽ được triển khai thực hiện.
Với giá trị to lớn đó, hy vọng dòng suối sẽ sớm được khôi phục, tạo điểm nhấn của di tích, đồng thời phát huy những giá trị vốn có, góp phần làm đẹp cảnh quan, thu hút đông đảo nhân dân đến tham quan, thưởng lãm.
THIỆN TÍN
Báo Hải Dương online - 17/09/2023
Tags:
northern