Đi uống cà phê vợt trong Chợ Lớn

 

Không biết ở Sài Gòn hiện nay còn bao nhiêu quán cà phê vợt. Search trên Google thấy có những bài viết: 5 quán cà phê vợt ở Sài Gòn có tuổi đời lâu nhất, 4 quán cà phê vợt có tuổi đời lâu năm nhất Sài Gòn, 3 quán cà phê vợt lâu năm - nhất định phải thử khi ở Sài Gòn...

Dù 5, 4 hay 3 thì trong danh sách ấy thế nào cũng có tên quán cà phê Ba Lù, ở đường Phùng Hưng, phường 14, quận 5. Những quán cà phê kể trên đều có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, và có một mạch suy luận logic như vầy: đã lâu năm ắt phải pha cà phê bằng vợt, và đã pha bằng vợt ắt phải là quán của người Hoa.

Suy luận trên có phần áp đặt, vì có những quán cà phê lâu năm nhưng từ xưa đã pha bằng phin (như các quán Tây ở quận Nhứt) hay quán đã từng pha bằng vợt nhưng đã chuyển sang pha phin từ lâu. Và hai nữa là quán cà phê vợt ban đầu có thể của người Hoa thiệt, nhưng ngay sau đó có không ít quán của người Việt (cũng tồn tại lâu năm).

Tuy nhiên, nếu chọn một quán cà phê đáp ứng cả 3 tiêu chí: lâu năm, cà phê vợt, quán của người Hoa, thì cà phê Ba Lù xứng đáng để chọn làm điểm đến tiêu biểu.

Điều bất ngờ là nếu bạn cứ theo những thông tin trên mạng thì đi đến hết con đường Phùng Hưng ở Chợ Lớn sẽ không thấy quán cà phê Ba Lù đâu hết. Nói cách khác: hiện nay, cà phê Ba Lù không tồn tại.

Tui rơi vô tình trạng như vậy khi đứng trước địa chỉ quán Ba Lù (theo thông tin ghi trên mạng) mà không thấy... Ba Lù đâu hết. Thấy tui đứng ngơ ngác, chị bán hàng ở sạp rau cải cạnh đó niềm nở chỉ: Kiếm quán Ba Lù phải hông? Đó, trước mặt đó. Có mấy người đang chụp hình đó!


Tui nhìn thấy tên quán là Cà phê Ông Lù & Bà Huề nên hỏi lại: Đâu phải quán Ba Lù đâu chị?

Người phụ nữ trả lời: Ông Lù & Bà Huề là ông Ba Lù với vợ ổng đó.

Anh chủ quán nãy giờ đứng ngó tui tủm tỉm cười, giờ mới tiếp lời: Ông già bà già tui quy tiên lâu rồi. Giờ tụi tui trông coi quán này.

Phùng Hưng là một con đường ngắn ở quận 5, lòng đường hình thành một cái chợ tự phát được người dân gọi là chợ Phùng Hưng. Những ngôi nhà trên đường này mở cửa ra là đụng ngay các sạp bán hàng trong chợ. Quán cà phê Ông Lù & Bà Huề là một trong những ngôi nhà đó. Gọi là quán cho sang chớ chỉ có một xe nước như hình, và tận dụng không gian trước hiên nhà bày ra được ba bốn chiếc bàn con.

Quang cảnh chợ Phùng Hưng trước quán cà phê Ông Lù & Bà Huề

Chủ quán đang đứng trước xe nước của mình, ngay sau lưng anh là người mua bán ở chợ

Chẳng những quán đổi tên (từ Ba Lù thành Ông Lù & Bà Huề) mà còn đổi địa chỉ nữa (quán cũ số 199 Phùng Hưng, quán mới số 193 Phùng Hưng) và đổi luôn chủ quán (trước đây là ông Ba Lù, còn bây giờ là con của ổng)!

Vậy bây giờ là quán mới rồi chớ đâu còn là quán lâu năm hơn nửa thế kỷ? Về lý theo kiểu biên niên ký thì đúng, nhưng thật ra hồn cốt của quán vẫn là quán của ngày xưa.

Như những quán cà phê khác, quán vẫn có bán các thứ nước giải khát ngoài cà phê như nước ngọt, đá chanh... nhưng đặc biệt nhất vẫn là các thức uống liên quan đến cà phê: cà phê đen, đá, cà phê sữa, bạc xỉu... Và điều tạo nên sự nổi tiếng của quán là cà phê ở đây pha (từ chính xác nhứt không phải là pha mà là lược) bằng vợt (còn gọi là vớ, vì hình dáng giống chiếc vớ).

Anh Hùng, chủ quán đang pha cà phê bằng vợt.

Cà phê được pha ra những chiếc siêu như vầy để giữ nóng

Ngoài cà phê, quán còn có nước ngọt và các thứ khác

Trên Google Maps, ngoài đa số các bài đánh giá khen ngợi và chấm điểm 4, 5 sao cho quán còn có những bài chê thậm tệ, chấm 1 hoặc 2 sao. Đại khái những lời chê là: cà phê nhạt nhẽo, không gian quán chật hẹp, nhếch nhác, quán nằm trong chợ ồn ào...

Nói chung những nhận xét chê bai ấy không sai, nhưng... Pha cà phê bằng vợt là cách pha từ hơn nửa thế kỷ trước, dần dà đã không còn tồn tại nữa để thay bằng các phương thức khác tiện lợi hơn, ngon hơn và nhất là phù hợp với sở thích hiện đại hơn. Khách đến uống cà phê ở những quán cà phê vợt này ngoài những người muôn năm cũ đã quen gu ngày xưa còn là những người hoài niệm, muốn tìm một nơi mang dáng dấp, hương vị ngày xưa (như tui chẳng hạn), chớ không phải người đi tìm... cà phê Starbucks!

Khách ngồi tại quán. Tui đếm là quán có tới... 4 cái bàn như vậy.

Cá nhân tui cũng thấy cà phê ở đây không ngon, nhưng ngồi nhìn cảnh pha cà phê theo kiểu ngày xưa, ngắm cảnh sinh hoạt trong một khu chợ người Hoa, lúc ấy nhấp một ngụm cà phê lạt sẽ thấy nó hòa hợp vô cùng với khung cảnh.

Thêm một điểm cộng nữa là chủ quán rất thân thiện, cởi mở, sẵn sàng trò chuyện dù đang làm việc không ngơi tay. Ngồi gần bàn tui là hai cậu sinh viên trẻ cầm máy chụp hình loay hoay chụp đủ góc cạnh của quán và... chủ quán. Hỏi tới đây lần đầu nên chụp để... đăng báo hả. Hai bạn trẻ nói đã tới mấy lần rồi và chụp vì... thích.

Hình anh Hùng - chủ quán - chụp chung với hoa hậu H'Hen Niê ngày 2/8/2023, treo trên vách quán.

Anh Hùng, chủ quán, khoe với tui tấm hình treo trên vách quán ảnh chụp chung với hoa hậu H'Hen Niê trong dịp cô ghé thăm quán ngày 8/2/2023. Anh cũng mở điện thoại cho tui coi hình chụp nghệ sĩ Trung Dân mới tới quán gần đây để làm phóng sự cho đài truyền hình Bình Dương. Thấy vậy, tui nói ảnh chụp chung với tui một tấm cho hoành tráng coi, và kết quả là ta có hình này.


Sài Gòn có rất nhiều quán cà phê sang trọng, có nhiều quán cà phê thiết kế theo phong cách độc đáo, có những quán cà phê sân vườn thoáng mát... Cũng có những quán cà phê ngon, phù hợp túi tiền và thuận tiện trên đường đi. Nhưng nếu một ngày nào đó bạn muốn thay đổi không khí, muốn có trải nghiệm lạ thì hãy đi Chợ Lớn gởi xe đâu đó gần chợ Phùng Hưng, đi bộ vào chợ vài trăm mét để ngồi trong một quán cà phê chật chội giữa chợ, uống cà phê pha bằng vợt theo kiểu nửa thế kỷ trước và để mình trôi về một cõi xa xưa...

Phạm Hoài Nhân

Post a Comment

Previous Post Next Post