Bờ thành cổ dưới biển Quy Nhơn, mỗi tháng nhô lên khỏi mặt nước vài lần

 Vùng biển gần bờ xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định) tồn tại một bờ thành cổ chìm trong lòng biển. Di tích này nhô lên khỏi mặt nước mỗi tháng vài lần khi thủy triều rút sâu.



Xã Nhơn Hải nằm trên bán đảo Phương Mai, cách trung tâm TP Quy Nhơn 16km. Đây là điểm đến hút khách du lịch đến Bình Định với nhiều thắng cảnh còn hoang sơ, nước biển trong xanh, hải sản tươi ngon; đặc biệt, người dân địa phương rất thân thiện.


Đáng chú ý, dưới mặt nước biển gần bờ xã Nhơn Hải có một bờ thành cổ, chỉ nhìn thấy khi thủy triều rút sâu, thời điểm du khách trong và ngoài nước cảm thấy thú vị nhất khi check-in làng chài bình yên ở Quy Nhơn.


Bờ thành cổ nối liền vách đá từ đảo Hòn Khô (thôn Hải Đông) kéo dài đến gần mũi Yến. Bề mặt tường thành phẳng, rộng 30-40m nhưng độ cao chưa xác định được. Tường này cũng không phải xây bằng đá hoặc gạch mà bằng một chất dẻo, đặc nguyên khối.


"Nếu tường thành xây dựng bằng đá vôi thì đục vào sẽ vỡ ngay. Trước đây, tôi có đục vài lỗ để làm chỗ neo tàu thuyền thì phát hiện tường thành xây dựng bằng thứ chất dẻo như hồ. Đặc biệt, hàu biển bám sống ở bờ thành này sau một thời gian đều chết", ông Trần Văn Hiệp (58 tuổi, thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải) cho hay.

Cũng theo ông Hiệp, các bậc cao niên kể lại xưa kia vùng đất này là đất của người Chiêm Thành (Chăm Pa) sinh sống, tường thành này được xây dựng vừa để chắn sóng biển vừa chống giặc xâm lấn.


"Từ đời ông nội đến đời bố tôi đã thấy tường thành này rồi. Trải qua hàng trăm năm, tường thành nằm dưới nước biển nhưng vẫn còn nguyên vẹn chứng tỏ kỹ thuật xây dựng của người Chăm Pa rất độc đáo", ông Hiệp nói.

Người dân xã Nhơn Hải cũng cho biết, tại thôn Hải Giang (nay di dời toàn bộ thôn để nhường cho dự án du lịch Hải Giang - PV), cách bờ thành nói trên hơn 5 km, cũng có bờ thành chìm dưới mặt nước biển, khi thủy triều xuống sẽ nhìn thấy đoạn thành dài trên 3km ở gần bờ, người dân địa phương gọi là Rạng Cầu.


Hai đoạn bờ thành này có kết cấu giống nhau nên nhiều người cho rằng đó là một tường thành kéo dài. Tuy nhiên, không ai tính chính xác tường thành này dài đến đâu và được xây dựng từ thời nào.

Theo thư tịch cổ để lại, người Chăm Pa xây dựng 4 thành lớn tại Bình Định gồm: Thị Nại (huyện Tuy Phước), Đồ Bàn (thị xã An Nhơn), Chas (thị xã An Nhơn), Uất Trì (huyện Tây Sơn) và một số thành nhỏ khác. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát hiện tư liệu nào nhắc đến bờ thành được xây dựng ở vùng biển Nhơn Hải.


Hiện bờ thành dưới biển Nhơn Hải vẫn là một bí ẩn nên thu hút du khách gần xa. Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch là thời điểm thích hợp nhất để du khách đến khám phá.

Thực hiện: Doãn ng - Ảnh: Dũng Nhân
Dân trí - 31/07/2023

Post a Comment

Previous Post Next Post